Sôi động thị trường thịt thực vật

28/12/2022 | 274 |
0 Đánh giá

Sau đại dịch thị trường thịt thực vật ngày càng sôi động hơn và tại Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp quan tâm, tham gia vào sân chơi này.

Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Bún ngũ sắc, thịt thực vật từ Mít có thể thương mại hoá?

Theo giới kinh doanh thực phẩm, trong thời gian gần đây, cùng với xu hướng sống xanh, có lợi cho sức khỏe, nhu cầu tiêu dùng các dòng sản phẩm thịt thực vật ngày càng tăng mạnh tại Việt Nam. Từ đó dễ dàng nhận thấy thực phẩm chay ngày càng hiện diện phổ biến tại hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ trong cả nước.

Tuy nhiên thị trường thực vật chủ yếu do các công ty nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu thô từ Việt Nam, chế biến ra thành phẩm và xuất khẩu ngược vào trong nước để tiêu thụ. Chính vì vậy mà những sản phẩm chế biến từ thịt thực vật thường có giá thành rất cao.

Sôi động thị trường thịt thực vật
Người tiêu dùng chú trọng nhiều hơn đến bảo vệ sức khỏe và sản phẩm thịt thay thế từ thực vật từ đó được ưa chuộng nhiều hơn.

Nắm bắt được xu hướng này, ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2023, Công ty TNHH Thực phẩm Chay Bảo An đã ra mắt dòng sản phẩm thịt thực vật được chế biến hoàn toàn từ nông sản là đậu nành và mít non. Đây là sản phẩm được chế biến phần lớn từ nguồn nông sản trong nước, có thể chế biến hơn 50 món ăn khác nhau.

Ông Đoàn Mạnh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Chay Bảo An cho biết, đây là một trong những sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng hữu cơ, sử dụng đạm thực vật thay thế đạm động vật của nhu cầu thị trường hiện nay.

Cũng theo ông Đoàn Mạnh Cương, ý tưởng nghiên cứu và tạo ra dòng sản phẩm thịt thực vật từ mít non xuất phát từ thực tế những hoạt động giải cứu nông sản mà công ty đã tham gia thời gian qua. Theo đó, nếu may mắn, người nông dân khi thu hoạch mít có thể bán với giá cao lên đến vài chục ngàn/kg. Thế nhưng, nếu chẳng may thị trường có biến động, một số nước ngưng nhập khẩu vì nhiều lý do phát sinh thì giá mít tại vườn có thể rơi về còn 1.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nông hộ, hợp tác xã, nông dân bỏ mít rụng đầy vườn, không thu hoạch vì giá nhân công thu hoạch cao hơn giá mít bán được.

Do vậy, với việc đưa mít non vào chế biến thành sản phẩm thịt thực vật sẽ giúp người nông dân có thể chủ động bắt tay với doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất. Người nông dân cũng sẽ tránh được tình trạng rủi ro “được mùa mất giá và được giá mất mùa” nhờ doanh nghiệp bao tiêu thu mua sản phẩm ngay từ khâu trồng trọt. Riêng về phía công ty cũng chủ động kế hoạch sản xuất nhờ ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, công ty cũng nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản nhờ chế biến sâu, cạnh tranh với hàng nhập khẩu nước ngoài ngay tại thị trường nội địa. Quan trọng hơn, công ty còn mở rộng thị trường xuất khẩu bởi dòng sản phẩm này đang được đánh giá là “sản phẩm của xu hướng tiêu dùng tương lai” rất được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Theo dự báo của Tập đoàn Bühler, giai đoạn 2021 - 2025, thị trường thịt thực vật ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng 11,85%/năm, và sẽ đạt mốc 500 triệu USD vào cuối năm 2025. Do vậy, trước Công ty Bảo An đã có không ít doanh nghiệp tham gia vào thị trường thịt thực vật đầy tiềm năng này. Chẳng hạn Công ty Vinamit tham gia sản xuất “xanh” với thịt mít non Vegan. Bên cạnh Vinamit, Công ty Thực phẩm Chay Cây Đề đã đầu tư 3 tỉ đồng làm sản phẩm thịt từ thực vật và đẩy mạnh ra thị trường với thương hiệu Vmeat…

Mai Ca

Nguồn: Báo Công Thương


Tin tức liên quan

Bình luận